TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN VIỆC PHÂN LOẠI VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI HỮU CƠ TẠI HỘ GIA ĐÌNH
Những năm gần đây, đời sống và kinh tế của nhân dân trên địa bàn xã có những bước phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển nhanh về kinh tế thì lượng rác thải trong sinh hoạt phát sinh rất lớn. Trước đây rác thải chủ yếu chỉ có rác hữu cơ và có số lượng ít; nhưng hiện nay số lượng rác hữu cơ đã tăng lên rất nhiều cùng với nhiều loại rác vô cơ, túi ni-lông và các tạp chất độc hại, khó phân hủy ngày càng nhiều. Bên cạnh đó vẫn một số nơi vẫn còn hiện tượng đổ rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân. Để giảm thiểu rác thải sinh hoạt phát tán ra ngoài gây ô nhiễm môi trường chúng ta cần phải thực hiện việc phân loại, xử lý triệt để rác thải góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe của bản thân và con cháu chúng ta ngay từ bây giờ. Hành động hôm nay – an toàn cho tương lai.
Hiện nay, các thôn, xóm trên địa bàn xã cơ bản nhân dân đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Các thôn đều có tổ thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển rác thải đến bãi rác chôn lấp theo quy định. Hoạt động của tổ thu gom đem lại hiệu quả tích cực trong quản lý, xử lý rác thải, góp phần xây dựng môi trường nông thôn sạch sẽ, trong lành.
Tuy vậy, trên thực tế công tác thu gom rác thải sinh hoạt còn chưa đạt kết quả như mong đợi. Như lượng rác nhiều, không được phân loại dẫn đến các hố chứa rác đều quá tải và gây ô nhiễm nặng. Có hỗ rác vẫn tồn tại việc đốt rác gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng một số ít người dân thiếu ý thức đem bỏ rác vào trong các bao tải, túi nilông thản nhiên vứt bừa bãi ở bất cứ chỗ nào cảm thấy tiện như hai bên đường giao thông, sông ngòi kênh mương, ruộng, bãi đất trống,… gây mất cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến lưu thông dòng chảy, gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, bốc mùi hôi thối mất vệ sinh môi trường.
Nguyên nhân của tình trạng trên đầu tiên phải kể đến đó chính là sự thiếu ý thức, thói quen xấu lười biếng và lối sống lạc hậu ích kỷ của một bộ phận người dân. Nhiều người nghĩ rằng những việc xả rác bừa bãi là việc nhỏ, không đủ để gây hại môi trường và việc ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng nhiều tới bản thân và gia đình.... Rất đáng báo động là một số người khác lại coi việc giữ gìn bảo vệ môi trường không phải là việc của cá nhân mà là việc của xã hội, của chính quyền và còn có tư tưởng chỉ cần nhà mình sạch, những nơi công cộng không phải mất công gìn giữ, cứ ném vội rác ra là xong. Một nguyên nhân nữa là hầu hết các hộ gia đình chưa thực hiện việc phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình nên việc chôn lấp, thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn, gây tình trạng bãi chôn lấp rác bị quá tải, nhanh lấp đầy gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, khi mà nhiều căn bệnh như bệnh ung thư và nhiều dịch bệnh khác đang hoành hành ở nhiều nơi, ngành y tế cảnh báo trong đó có nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, với tình trạng vứt rác bừa bãi, rác không được phân loại và xử lý triệt để thì những hậu quả kéo theo cũng không phải nhỏ như:
- Khi các loại rác hữu cơ dễ phân hủy vứt tràn lan ngày càng nhiều gây hôi thối, chính là ổ sinh sôi của chuột, ruồi, muỗi, và vi khuẩn mang mầm bệnh từ phân người, động vật hay tệ hại hơn là xác súc vật, gia cầm bị dịch tai xanh, H5N1 gây ra các bệnh đường ruột, xuất huyết, viêm mũi, mắt đỏ, bệnh tiêu chảy cấp,… do chẳng may sử dụng phải nguồn nước, hít thở không khí ô nhiễm này.
- Các loại rác thải vô cơ như phế thải thủy tinh, sành sứ, kim loại, giấy, cao su, nhựa, vải và phế thải xây dựng thải bừa bãi ra xung quanh gây chật chội, mất vệ sinh và mất mỹ quan, tạo cơ hội cho các loài nấm và vi khuẩn, côn trùng độc hại phát triển đồng thời do có chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, crôm,…gây độc hại cho con người.
- Rác thải là túi nilông, bao bì rất khó phân hủy, lẫn vào đất ngăn cản oxy đi qua đất, làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, gây xói mòn đất. Túi nilông lọt vào cống, rãnh, kênh, mương sẽ làm tắc nghẽn gây ngập úng. Các hoá chất độc hại, các hạt vi nhựa rất nhỏ trong quá trình sản xuất túi nilông cũng sẽ thâm nhập vào đất, vào nguồn nước, vào đồ ăn thức uống gây tổn hại sức khoẻ con người, sinh vật...
Chính vì vậy, giữ gìn cho môi trường sống trong sạch và tươi xanh phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm xã hội và hành động của mỗi người dân trong cộng đồng; từ đó tạo nên những thói quen đúng đắn, nếp sống thân thiện với môi trường. Trong điều kiện hiện nay, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình là giải pháp không thể thay thế, là điều kiện cần để duy trì việc xử lý rác thải triệt để, mang lại nhiều lợi ích. Với mục đích là toàn bộ chất thải hữu cơ (chiếm khoảng trên 70 % lượng rác thải ra) sau khi được phân loại đưa vào hố ủ xử lý để làm phân bón phục vụ trở lại sản xuất nông nghiệp; từng bước góp phần phục hồi nền sản xuất nông nghiệp sạch; giảm thiểu phát thải chất hữu cơ ra môi trường, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi. Các chất thải còn lại phải thu gom và chôn lấp chỉ còn khoảng 30%.
Do vậy, ngày 16/12/2022 UBND xã đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch về việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn xã. Với mục tiêu phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình là nhiệm vụ cấp thiết; góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình phải thu gom, vận chuyển ra bãi rác; đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp; giảm thiểu ô nhiễm do mùi hôi thối, ruồi, muỗi và các dịch bệnh từ rác thải gây ra; tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường nói chung, giữ gìn vệ sinh môi trường sống nói riêng; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hạn chế phát thải chất thải rắn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ có 100% số hộ gia đình trên địa bàn xã thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình. Trước mắt từ nay đến hết tháng 5/2023 triển khai thực hiện làm điểm tại các thôn sau đó sẽ tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng.
Vì vậy để thực hiện được những mục tiêu trên, mỗi hộ gia đình cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:
- Mỗi hộ gia đình: trong nhà nên ít nhất có hai loại thùng đựng để phân loại và đựng RÁC HỮU CƠ và RÁC VÔ CƠ. Đồng thời xây dựng từ 01 đến 2 hố để ủ rác hữu cơ. Cụ thể là:
+ Đối với các loại rác hữu cơ rất dễ phân hủy như thức ăn thừa, rau, củ, quả hư hỏng, rác nhà bếp, cành cây, lá cỏ, xác súc vật, ... vv hàng ngày đưa rác vào hố ủ để làm phân bón.
+ Đối với các loại rác có khả năng tái chế hoặc bán phế liệu như: các loại giấy, bìa cat-tông, sách, báo cũ, chai lọ nhựa và các vật dụng kim loại thải có thể gom lại bán phế liệu để tái chế.
+ Đối với túi nilông, nên hạn chế sử dụng, khi đi chợ nên mang giỏ, thúng hoặc rổ để đựng; nếu sử dụng túi nilông thì nên sử dụng nhiều lần thay vì chỉ một lần rồi vứt đi: với túi còn lành, sạch có thể đem giặt, phơi khô để đựng đồ, đựng rác. Với túi nilong đã rách, bẩn nên gom lại để riêng vào thùng rác vô cơ khi đem đổ rác.
- Đối với lãnh đạo các thôn cần tập trung việc lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Trong đó: Hội Phụ nữ làm nòng cốt chủ trì, phối hợp thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc phân loại rác thải, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; Hội Nông dân hướng dẫn thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ làm phân bón, tăng cường công tác thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng. Thường xuyên đưa các thông tin về bảo vệ môi trường trong các buổi hội họp; tuyên dương, khen thưởng những gia đình thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung, những cá nhân tiêu biểu đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần lên án, phê bình những trường hợp gây tác hại đến môi trường như vứt rác bừa bãi, không thực hiện phân loại rác, không tham gia đóng phí vệ sinh môi trường,...
Như vậy, để giải quyết tốt bài toán rác thải trên địa bàn xã cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị; tập trung triển khai thực hiện các giải pháp về phân loại và xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình. Nói không với chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng sản phẩm, đồ dùng nguồn gốc từ thiên nhiên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn; tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi các sông, kênh mương… Phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn.
Hy vọng rằng mọi người, mọi nhà sẽ cùng nhau chung tay hành động bảo vệ môi trường, phân loại và xử lý rác thải để góp phần hình thành nếp sống văn minh hơn, cảnh quan làng xóm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Hành động hôm nay- an toàn cho tương lai !