Tình trạng đốt rơm rạ tự phát mỗi khi vào mùa vụ sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Để ngăn chặn và kiểm soát tình trạng này, cần có những giải pháp thay thế hiệu quả, bền vững. Trong những lúc cao điểm của mùa gặt tại các tỉnh Miền Bắc, phần lớn rơm, rạ sau thu hoạch được bà con xử lý bằng cách đốt, có nơi lên đến 90%. Khắp các ngả đường từ làng quê đến thành phố, cứ vào khoảng 4 - 5 giờ chiều lại được bao trùm bằng khói bụi do người dân tranh thủ đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch. Khói bụi, đặc biệt là thời điểm này trùng với những ngày nắng nóng oi bức ở miền Bắc đã khiến cho không khí càng ngột ngạt hơn.
Tác hại của việc đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp
Hành động đốt rơm rạ ngoài trời nói trên không những gây ra hậu quả có thể thấy trước mắt như ô nhiễm không khí và khói, gia tăng nhiệt độ cục bộ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ, tồn tại bền vững trong môi trường. Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông. Về lâu dài, khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy những nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên. Không những gây hại cho sức khỏe con người, lửa từ các đống rơm, rạ còn có thể gây cháy ruộng, cháy nhà, gây tai nạn giao thông. Khi đốt ở ngoài trời còn gây khói mù và ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt trên các đoạn đường giao thông. Trường hợp đốt rơm rạ ngay trên cánh đồng thành tro còn làm cho chất hữu cơ trong rơm rạ do nhiệt độ cao đều biến thành các chất vô cơ, làm cho đất ruộng bị chai cứng, mất đi chất dinh dưỡng thành phần còn sót lại trong tro chỉ là phốt pho, kali, canxi và silic...không giúp ích mấy cho cây trồng.
Cách xử lý rơm rạ hợp lý, an toàn với môi trường và sức khỏe con người
Nếu như biết cách sử dụng thì rơm rạ sẽ mang đến nhiều lợi ích, thay vì đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường thì có thể làm theo một số cách như :Làm phân bón hữu cơ, sử dụng để tạo độ phì nhiêu cho đất: Ở một số nơi còn sử dụng máy gặt đập liên hợp, qua đó rơm rạ sẽ được máy cắt nhỏ và rải trộn ngay trên ruộng đồng, sau một thời gian ngắn sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ. Tận dụng làm vật liệu vận chuyển,trồng nấm rơm, dùng làm thức ăn cho gia súc (trâu, bò). Ngoài ra hiện nay ở một số địa phương còn dùng máy cuốn rơm, việc thu gom được thực hiện nhanh gọn. Rơm được máy cuốn thành từng cuộn tròn và dễ dàng vận chuyển, bảo quản, không tốn nhiều công sức. Khi không có máy hỗ trợ, việc thu gom rơm rạ của người dân khá vất vả, nếu gặp mưa phải bỏ hết vì hư hỏng. Để thu gom rơm trên diện tích 1ha, nếu làm thủ công phải mất từ ba ngày đến một tuần. Với sự xuất hiện của máy cuốn rơm, chủ máy tiến hành thu gom ngay tại chân ruộng. Việc sử dụng dịch vụ thu gom rơm giúp nông dân giải phóng sức lao động, rút ngắn thời gian có thể chạy đua với thời tiết mà còn được các chủ máy trả với số tiền 10.000 đồng/sào. Đặc biệt, việc đưa máy cuộn rơm vào sản xuất cũng là hình thức tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Đảm bảo môi trường là ý thức trách nhiệm không chỉ của mỗi người dân mà là cả cộng đồng. Chúng ta cùng chung sức, chung lòng bảo vệ môi trường làm cho môi trường của xã Minh Đức ngày càng xanh, sạch, tươi đẹp, trở thành miền quê đáng sống.